Ở xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có một người phụ nữ được chúa Trịnh Sâm phong là phú gia địch quốc.
Bao nhiêu tài sản bà làm ra chỉ để giúp đỡ dân nghèo và làm cầu cho dân chúng đi. Tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Thuyết, người dân thường gọi bà là Bổi Lạng.
Phú gia địch quốc
Chúng tôi tìm về thôn Đông Phong, xã Bình Lãng hỏi thăm về gốc tích của bà Bổi Lạng, mọi người đều nói rằng ông Nguyễn Tá Triền là họ hàng gần với bà Bổi Lạng.
Gặp chúng tôi, ông Triền tự hào nói rằng ông là hậu duệ đời thứ 17 của bà Bổi Lạng, người đã mất cách đây khoảng hơn 400 năm trước. Theo tư liệu mà ông Triền cung cấp cho chúng tôi, thuở nhỏ bà Bổi Lạng rất nghèo khó, hằng ngày đi mò cua bắt ốc lấy tiền nuôi mẹ. Một buổi chiều tà nước thủy triều sông Thái Bình rút xuống bà mải mê mò hến thì đột nhiên mò được một thỏi vàng, càng mò càng được nhiều vàng bạc, bà lẳng lặng mang về.
Có người cho rằng, số vàng bạc châu báu đó có từ cuối thế kỷ thứ XVI khi quân Lê - Trịnh giao chiến với quân nhà Mạc trên sông Thái Bình, đoạn qua xã Bình Lãng. Khi đó, số tài sản mà quân Lê - Trịnh cướp được của nhà Mạc bị đắm thuyền rơi hết xuống sông. Nhờ mò được vàng bạc đó mà bà Bổi Lạng có vốn làm ăn trở nên giàu có.
Dù được khắc hơn 400 năm nhưng những tấm bia đá nơi đây vẫn nguyên vẹn. (Ông Chiền bên bia lăng)
Ông Triền cho hay, theo văn bia ở khu mộ ghi lại, xưa kia cụ Bổi làm nghề buôn bán lúa gạo và chăn nuôi gia súc để lập nghiệp, một nghề khi đó vừa có thể giúp đỡ dân nghèo vừa có thể làm giàu nhanh chóng. Có những năm mất mùa, giá thóc gạo đắt như vàng bạc, bà đã bán hết gia sản lấy tiền làm vốn tậu ruộng, chăn nuôi gia súc, trợ cấp cho người nghèo. Thời gian sau bà trở thành người giàu có nhất vùng, ruộng có nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu, thóc lúa gia súc nhiều vô kể. Khác với những người khác khi có tiền thường mua quan bán chức, nhưng bà dành tiền đó để giúp đỡ dân nghèo.
Thời Lê - Trịnh, bà Bổi Lạng được người đời liệt kê vào một trong hai người giàu nhất nước. Bà giàu đến mức tiếng tăm lan cả vào kinh thành Thăng Long, chúa Trịnh Sâm biết chuyện tức tốc dẫn quân lính về gặp bà. Chúa Trịnh đem theo đoàn quân phục tùng hộ giá ngót nghét cả nghìn người. Bà Bổi Lạng thấy mình chỉ là kẻ giàu chốn quê mùa nhưng được chúa hạ cố xuống hỏi thăm thì vui mừng khôn xiết. Bà dẫn chúa Trịnh đi thăm quan cơ ngơi của mình, nhìn thấy ruộng vườn bát ngát, gia súc nhiều vô kể, chúa Trịnh Sâm mới thốt lên rằng đúng là người đàn bà phú gia địch quốc. Bà ngỏ lời mời chúa Trịnh cùng quân quan ở lại ba ngày ba đêm để mở tiệc chiêu đãi. Mỗi ngày bà cho người làm hàng trăm mâm cỗ để mời mọi người thưởng thức, bà dặn ăn uống xong quân lính không phải rửa bát, có thể đập vỡ tùy thích.
Cây cầu này do bà Bổi Lạng làm để cho dân chúng đi lại thuận tiện. (Cầu đá Thái An)
Làm cầu cho người dân trong vùng
Về xã Bình Lãng chúng tôi được nghe các cụ cao niên nơi đây kể về việc bà Bổi Lạng chia ruộng đất, thóc lúa cho những người dân nghèo. Đặc biệt bà đầu tư tiền xây dựng tất cả 36 cây cầu, giúp cho người dân trong vùng đi lại thuận lợi. Cụ Nguyễn Tá Tàu (85 tuổi) kể: Có một lần bà đi qua xã La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, đến bến sông Vạn, tại đây trước kia có cây cầu bằng gỗ lim, nhưng lâu ngày đã hư hỏng, khách qua đường phải lội bùn lầy qua sông. Thấy vậy, bà đã cho người mua gỗ lim, đóng hai con thuyền, lấy hai người trong làng để chở đò miễn phí cho người dân qua lại. Để trả công cho người chở đò bà đã cấp cho họ 5 mẫu ruộng để họ cầy cấy sinh sống.
Cụ Tàu cho hay trong số 36 cây cầu bà xây cho người dân trong vùng giờ vẫn còn nhiều cây cầu tồn tại. Nhiều người dân trong làng nói rằng xưa kia bà Bổi Lạng cũng dành tiền để xây dựng cầu cho người trong làng. Nhưng khi đó có một số người đàn ông trong làng không muốn bà xây dựng, họ cho rằng bà là gái góa chồng. Vì thế nên bà cũng không làm cầu cho làng nữa.
Theo chân anh Lê Văn Ngọc, công an viên xã Bình Lãng, chúng tôi được mục sở thị cây cầu đá có niên đại trên dưới 400 năm. Cây cầu này được gọi là cầu đá Đen nằm tại thôn Thái An, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ. Anh Ngọc bảo, qua thời gian nhưng cây cầu vẫn còn rất kiên cố. Trước đây, mỗi khi xây cầu xong bà đều kiểm tra độ vững chắc của cầu bằng cách đặt bàn chân lên cầu thật mạnh, nếu như cầu không sập thì mới bàn giao cho dân làng sử dụng.
Chiếc bát hương là hiện vật duy nhất của bà Bổi Lạng để lại. (nhà Ông Chiền)
Rải bánh đa làm rạp và khu lăng mộ có một không hai
Cụ Nguyễn Thị Dảo (82 tuổi) mẹ của ông Triền cho hay: "Cụ Bổi Lạng giàu có nhất xứ Đông. Nhưng gần như tài sản, ruộng vườn cụ chia cho dân nghèo hết. Con cháu cũng chỉ được một phần nhỏ. Trước đây, gia đình chúng tôi còn hoành phi câu đối của cụ để lại. Nhưng năm 1950, ngôi nhà đã bị quân thực dân Pháp thiêu rụi, mọi người chỉ giữ lại duy nhất chiếc bát hương. Vì thế, tài sản của cụ Bổi Lạng để lại chỉ còn chiếc bát hương".
Trước đây, khi cụ mất đi người dân làng quý trọng cụ, đã làm rạp từ đầu làng ra tận nghĩa trang ngoài cánh đồng. Ở phía trên rạp mọi người lợp bằng bánh đa, làm lễ tang cho cụ xong người dân lấy bánh đa chia cho trẻ con. Do nướng vội bánh đa làm rạp che cho bà nên từ đó làng đó có tên là làng Vội.
Ông Triền cho biết: Theo văn bia ghi trong lăng mộ thì trước khi bà Bổi Lạng qua đời, bà đã làm lăng mộ trước. Mộ được làm bằng đá xanh rất kiên cố, xưa kia bà cho người vào tận núi An Hoạch ở Thanh Hóa để lấy. Đích thân thám hoa Lê Quý Đức, nổi tiếng người có quyền uy thời Lê - Trịnh về để viết văn bia cho bà.
Khu lăng mộ bà Bổi Lạng nằm giữa cánh đồng.
Ông Triền dẫn chúng tôi vượt qua cánh đồng lúa bát ngát để đến khu mộ của bà Bổi Lạng. Phía trước khu lăng mộ là hai chú chó bằng đá, có ý nghĩa để bảo vệ khu mộ, xung quanh là những tấm bia ký. Và ở giữa là khu lăng mộ ba tầng. Ông Triền bảo, qua thời gian, mưa bão nhưng lăng mộ gần như vẫn còn nguyên vẹn. Tuy lăng mộ được xây dựng nguy nga ở giữa cánh đồng, nhưng chưa chắc thi hài của bà có nằm ở đó. Bởi người xưa sợ kẻ xấu biết chỗ chôn cất sẽ đào mộ lên để tìm vàng bạc.
Ông Triền cho hay, năm 2009 các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học: "Nữ doanh nhân - Nhà từ thiện Bổi Lạng" nêu lên những công trạng của bà trước đây, để Nhà nước công nhận khu lăng mộ của bà Bổi Lạng là khu di tích lịch sử của tỉnh. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đả động đến. Khu lăng mộ của bà bị các gia đình làm ruộng xung quanh lấn chiếm. Dòng họ ông Triền cũng muốn xây dựng bao quanh diện tích đất của khu lăng mộ, tuy nhiên con cháu chưa có điều kiện nên đành nhìn cỏ cây bao vâỵ.
"Công trạng của bà Bổi Lạng
đối với dân chúng xưa kia là vô cùng lớn lao. Hiện trong vùng còn nhiều cây cầu
do bà làm. Chúng tôi đã quy hoạch dành diện tích đất để xây dựng khu lăng mộ
cho bà. Đồng thời đề xuất lên các cấp trong tỉnh sớm công nhận lăng mộ của bà
Bổi Lạng là di tích lịch sử cấp tỉnh".
Ông Nguyễn Ngọc Cùng (Chủ tịch UBND xã Bình
Lãng)
Theo Đức Lợi - Kiến thức
rất mong được nghiên cứu cùng bạn
Trả lờiXóaBạn có thể cung cấp sđt và tên địa chỉ; mình cùng có những sở thích điền dã nghiên cứu, viêt bài như bạn
Trả lờiXóa